Tôi: Nguyễn Tường Thụy;
Sinh năm 1952 (năm sinh theo hồ sơ về hưu là 1950 do cơ quan tôi công
tác làm. Tôi phải ghi chú điều này vì nó mâu thuẫn với bằng đại học của
tôi)
Số nhà 11 Tổ Quỳnh Lân, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội;
Điện thoại: 0983485952;
Cựu chiến binh (đã rời khỏi Hội Cựu chiến binh Việt Nam);
Cử nhân kinh tế;
Công việc hiện nay: Làm thơ, viết văn, viết báo tự do;
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Khi Tiến sĩ Nguyễn Quang A tuyên bố ra ứng cử vào Quốc hội khóa 14,
ngay sau đó, ngày 5/2/2016, tôi cũng đã bày tỏ ý định của mình trên mạng
internet sẽ ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Nay tôi chính thức tuyên bố về
việc tự ứng cử vào Quốc hội khóa 14 như sau:
1. Điều 27, Hiến
pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử
và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng
nhân dân”. Nhìn vào tâm huyết và khả năng của nhiều đại biểu quốc hội
trong 13 khóa qua, tôi thấy mình cần phải vào Quốc hội để nâng cao chất
lượng hoạt động của Quốc hội. Tôi biết việc công dân tự ứng cử, khả năng
trúng cử là rất thấp, tỉ lệ từ 0,2 đến 0,8%. Những con số đó khác không
(0) và như vậy, khả năng trúng cử của người tự ứng cử vẫn có và tôi hy
vọng sẽ trúng cử.
Tôi không ứng cử để chơi, để “cọ xát” mà là
một việc làm nghiêm túc, với mong muốn có thêm cơ hội để cống hiến cho
Đất nước, cho Dân tộc. Nếu không trúng thì cũng không thể gọi là thất
bại. Nó có tác dụng đánh thức người dân vốn xưa nay bàng quan với chính
trị biết được quyền và nghĩa vụ công dân, biết được thực trạng dân chủ ở
Việt Nam hiện nay.
2. Với việc tự ứng cử, tôi không có ý định
gây khó hay thách thức ai. Những ai cảm thấy bị gây khó hay thách thức
không phải là người đàng hoàng mà là những kẻ có lòng dạ đen tối vì
quyền tự ứng cử là quyền cơ bản của con người đã được Hiến pháp ghi
nhận.
3. Việc ứng cử vào Quốc hội không có nghĩa là tôi chấp
nhận sự lãnh đạo của Đảng CSVN (thể hiện trong điều 4 Hiến pháp) cũng
như những điều khoản bất cập khác. Vì trên thực tế, mỗi khi thông qua
Hiến pháp, vẫn còn những đại biểu không đồng ý điều này điều khác. Sự
không đồng ý ấy không có nghĩa là những đại biểu đó phải rời khỏi Quốc
hội, cũng như việc công dân không đồng ý điều này điều khác của Hiến
pháp không có nghĩa là công dân ấy phải ra nước ngoài ở.
4. Thực
trạng chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước lúc này rất đáng lo ngại.
Tham nhũng vẫn là một vấn nạn nhức nhối, ngang nhiên thách thức nhân
dân, thách thức sự phát triển xã hội. Tệ quan liêu, cửa quyền, hách dịch
với dân không được cải thiện. Lối làm việc vô cảm, xa rời thực tế, sống
xa rời dân đã phân hóa xã hội thành hai tầng lớp: kẻ thống trị và người
bị trị. Việc chà đạp lên pháp luật, bao che cho nhau từ trung ương đến
cơ sở, ức hiếp dân lành đã gây nên nỗi thống khổ cho biết bao người
lương thiện. Hệ thống chính trị nát từ trên xuống dưới, ngôi nhà dột
ngay từ nóc đã lâu. Biển đảo luôn luôn bị Trung Cộng uy hiếp, ngư dân
mất ngư trường, bị bắt cóc, bị đòi tiền chuộc, bị đánh đập thậm chí bị
bắn giết. Nợ công lên tới mức nguy hiểm. Nền kinh tế mục ruỗng có thể
sập bất cứ lúc nào, Việt Nam đang ở vào vùng trũng của thế giới về tiêu
chí tổng hợp và về mọi mặt.
Quốc hội được coi là “vật trang trí”
(chữ dùng của ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội khóa 7). Tỉ lệ đảng
viên trong Quốc hội tới 90%, cộng với lối bầu cử theo hình thức đảng cử
dân bầu nên được coi là Quốc hội của Đảng CSVN chứ không phải của dân.
Hoạt động của Quốc hội nặng về hình thức, chất lượng phản biện, chất
lượng chất vấn rất kém. Không chỉ quan chức, đại biểu quốc hội cũng rất
xa rời dân.
Hiện thực ấy khiến tôi càng nôn nóng muốn cống hiến
cho dân cho nước được nhiều hơn. Vì vậy tôi muốn làm đại biểu quốc hội
có thêm cơ hội cất lên tiếng nói của dân, giám sát hoạt động của các cơ
quan Nhà nước và Chính phủ, góp phần khắc phục thực trạng xã hội mà tôi
vừa nêu trên.
5. Luật Tổ chức Quốc hội qui định tiêu chuẩn của đại biểu quốc hội như sau:
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện
công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính,
chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết
đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách
dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có
trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công
tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Căn cứ vào tiêu chuẩn nêu trên, tôi thấy mình hoàn toàn đáp ứng được để trở thành đại biểu quốc hội:
Về tiêu chuẩn thứ nhất: Tôi luôn luôn chấp hành pháp luật và chỉ làm
những gì luật pháp không cấm, đồng thời tuyên truyền cho người khác về
tinh thần này. Tuy tôi bị công an bắt hơn 10 lần trong đó có 2 lần xông
vào nhà bắt, phá cửa, còn lại là do tôi đi biểu tình chống Trung Quốc
xâm lược nhưng đó là công an vi phạm pháp luật chứ không phải là tôi nên
họ phải thả tôi về. Tôi đã có những việc làm cụ thể và viết bài cổ vũ
cho tinh thần yêu nước, cho hòa giải hòa hợp dân tộc; chống những hành
vi cản trở sự phát triển của đất nước.
Về tiêu chuẩn thứ hai:
Tôi là người cha có trách nhiện với gia đình, hết lòng thương yêu vợ
con. Tôi không làm điều gì vi phạm pháp luật. Tôi đã tố cáo và viết
nhiều bài báo lên án những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức
của những cán bộ, nhân viên cơ quan công quyền cũng như lối sống phi đạo
đức khác.
Về tiêu chuẩn thứ ba: Tôi đã tốt nghiệp Đại học kinh
tế Quốc dân. Tôi luôn luôn tự nâng cao kiến thức về các lĩnh vực khác
như pháp luật, báo chí để làm việc có hiệu quả hơn. Sức khỏe vẫn đang
cho phép tôi làm việc với cường độ cao. Tôi có khả năng sử dụng kiến
thức pháp luật để phản biện những quyết định sai trái của cơ quan nhà
nước, hướng dẫn người khác biết quyền và nghĩa vụ công dân. Một ví dụ là
năm 2003, tôi đại diện cho bà con nơi tôi ở căn cứ vào các qui định của
pháp luật khiếu nại từ cơ sở đến trung ương về việc chính quyền thông
báo cưỡng chế không đền bù 15 mét hai bên đường, trong đó có 7 nhà bị
giải tỏa hoàn toàn. Cuối cùng, chính quyền đã chấp nhận ý kiến của dân
xóm tôi nên hủy bỏ kế hoạch cưỡng chế. Trong khi đó nhiều nơi trong
huyện đã bị giải tỏa một cách không thương tiếc, không điều kiện, đặc
biệt là đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi trên Quốc lộ số 1.
Tôi đã trải
qua nhiều lĩnh vực công tác khác nhau: phục vụ trong quân ngũ từ khi đi
bộ đội đến khi về hưu, đã từng làm việc ở các công ty thương mại, xây
dựng, Đài Tiếng nói Việt Nam nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm công
tác.
Về tiêu chuẩn thứ tư: Tôi luôn bênh vực những người dân thấp
cổ bé họng, nạn nhân của sự bất công bị oan ức, ăn hiếp, lên tiếng giúp
họ về tinh thần, vật chất có hiệu quả.
Về tiêu chuẩn thứ năm:
Tôi là cựu chiến binh đã về hưu. Mặc dù bận nhiều việc do bản thân mình
đặt ra, tôi sẽ gác bớt những việc này lại để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà
cử tri ủy thác.
6. Tôi yêu cầu những người liên quan đến việc tổ
chức bầu cử không biến buổi lấy ý kiến cử tri tại tổ dân phố thành buổi
đấu tố. Không dùng thủ đoạn để gạt những người không ưa như gợi ý cử
tri, xuyên tạc về ứng cử viên, gian lận trong kiểm phiếu, đưa ứng cử
viên ứng cử ở địa phương xa một cách có chủ ý, loại ứng cử viên trong
các vòng hiệp thương mà không có cơ sở.
7. Về tài sản của tôi chỉ
có ngôi nhà chật hẹp đang ở, xây theo giấy phép xây dựng của huyện
Thanh Trì cấp, vài gian nhà cấp 4 cùng với mấy thứ vật dụng thông thường
đã quá đát. Ngoài ra tôi không có tài sản gì khác. Nếu làm đại biểu
quốc hội, tài sản của tôi chỉ vơi đi chứ không tăng lên. Nếu cử tri phát
hiện thấy tôi giàu lên bất thường, tôi sẽ tự nguyện để nhân dân xử và
tự miễn nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của mình.
Tôi hứa sẽ không “chạy” vào Quốc hội và như vậy không cần lo thu hồi vốn.
8. Tôi nguyện trung thành với lợi ích của Nhân dân Việt Nam, Tổ quốc
Việt Nam. Nếu lợi ích của các hội nhóm mà tôi đang sinh hoạt mẫu thuẫn
với lợi ích của Đất nước, của Dân tộc, tôi sẽ rời bỏ hội nhóm ấy.
9.Tôi mong bạn bè, bà con trong nước và hải ngoại lên tiếng ủng hộ tôi
tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Anh chị nào có điều kiện hãy tổ chức lấy
chữ ký ủng hộ để cổ vũ cho tôi. Tôi xin cảm ơn.
Làm tại Hà Nội ngày 13/2/2016
Nguyễn Tường Thụy
Ứng viên ông Nguyễn Tường Thụy. Ảnh:RFA |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét