Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Cương lĩnh tranh cử của TS. Nguyễn Quang A: "Quyền ta, ta cứ làm"

Đây là cương lĩnh tranh cử của TS. Nguyễn Quang A, dịch từ tiếng Việt câu "Quyền ta, ta cứ làm".
Tính đến 16h hôm nay, 2/3/2016, số người gửi chữ ký tươi ủng hộ TS. Nguyễn Quang A trở thành Đại biểu Quốc hội khóa 14 đã lên tới 1.723 người.
Cũng tính đến 16h hôm nay, chưa có một ứng cử viên ĐBQH nào thuộc diện "Đảng cử" công bố chương trình hành động hay cương lĩnh tranh cử của mình cho cuộc bầu cử Quốc hội 2016 này.

Ảnh: TS. Nguyễn Quang A

Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thuý Hạnh: "XÓA ĐƯỜNG LƯỠI BÒ, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN"

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thuý Hạnh - Ứng cử viên độc lập vào Quốc hội khoá 14 cho biết: Trọng tâm tranh cử lần này của bà là "XÓA ĐƯỜNG LƯỠI BÒ, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN"
Pv: Tại sao chị lại chọn vấn đề Biển Đông làm điểm nhấn để tranh cử, trong khi đây là vấn đề khó khăn để đi vận động cử tri? (Ấy là ta cứ giả sử các ứng cử viên độc lập có cơ hội tiếp cận báo chí-truyền thông, cử tri để vận động).
Nguyễn Thuý Hạnh: Bởi vì đó là động lực lớn nhất để tôi tranh cử ĐBQH. Tôi biết người dân Việt Nam mình lâu nay vẫn nói đùa câu: “Đẻ ra đã ghét giặc phương Bắc”. Với vị trí địa lý này, 4000 năm nay dân tộc Việt Nam mình chưa bao giờ được bình yên.
Mình ở ngay cạnh Trung Quốc - một nước lớn có tham vọng bành trướng rất dữ dội và chưa bao giờ dừng ý đồ thôn tính hay chi phối Việt Nam. Chủ quyền của Việt Nam giữ được đến bây giờ là đã phải đổ biết bao nhiêu xương máu của ông cha, của nhân dân bao ngàn đời.
Thời gian gần đây, lòng yêu nước bị kìm hãm phần nào nên người dân có vẻ thờ ơ, nhưng nếu như khơi dậy được lòng yêu nước đó, được tự do nói về chủ quyền, về lãnh thổ, về biển đảo, thì tôi tin là không có người dân Việt Nam nào có thể vô cảm được khi chủ quyền của dân tộc bị đe dọa.
Bảo vệ chủ quyền không có nghĩa là cứ phải đánh nhau. Có một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... họ khẳng định là bảo vệ hòa bình bằng cách sẵn sàng cho chiến tranh chứ không phải bảo vệ hòa bình có nghĩa là đối phương tiến đến đâu, mình lùi tới đấy. Lúc nào cũng hòa hiếu, trong khi họ đánh mình thì mình lại hòa hiếu, nếu như mình cứ lùi thì họ sẽ tiếp tục tiến, lấn chiếm, và rồi sẽ có chiến tranh. Tôi không đồng tình với việc bảo vệ hòa bình bằng cách tỏ ra khiếp sợ chiến tranh. Mình không được sợ hãi, không được nhún nhường, không giành quyền quyết định cho họ - những kẻ đang xâm phạm đất đai lãnh thổ của mình. Phải chứng tỏ mình là đất nước có chủ quyền, từ hàng nghìn đời nay.
Pv: Có thể “Đảng và Nhà nước” đang có chính sách cho việc này rồi nhưng họ không muốn cho người dân biết thì sao?
Nguyễn Thuý Hạnh: Không có chính sách nào tốt cho đất nước mà người dân lại không được biết. Nếu chính sách đó thực sự tốt cho nhân dân thì đương nhiên nhà nước không thể giấu. Tôi nghĩ, hẳn là chính sách gì đó không có lợi cho nhân dân nên “Đảng và Nhà nước” mới muốn giấu dân.
(Theo FB Doan Trang)

Ảnh: Bà Nguyễn Thuý Hạnh

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Ứng cử viên Đặng Bích Phượng nộp hồ sơ ứng cử

Một trong các ứng cử viên độc lập vào Quốc hội khóa 14, bà Đặng Bích Phượng, đã đến trụ sở thường trực của Ủy ban Bầu cử TP. Hà Nội vào sáng 1/3/2016 để nộp hồ sơ ứng cử.
Tuy nhiên, tới xế chiều thì người của Ủy ban Bầu cử đã gọi lại cho bà Phượng để yêu cầu bà phải xác minh lại lý lịch tại UBND phường nơi bà cư trú là phường Dịch Vọng, chứ không phải phường Thành Công là nơi bà có hộ khẩu thường trú.
Bà Đặng Bích Phượng sống tạm cư tại phường Dịch Vọng từ cách đây 8 năm. Tuần trước, bà đã phải rất vất vả mới lấy được chữ ký xác nhận của phường Thành Công vào lý lịch của bà - do cán bộ phường hiểu sai về cách ghi hồ sơ.
Với việc Ủy ban Bầu cử Thành phố yêu cầu xác minh lại lý lịch ở một phường khác, bà Phượng sẽ phải mất thêm một thời gian nữa mới nộp được bộ hồ sơ ứng cử hoàn chỉnh.
Phóng viên ghi nhận các cán bộ của Ủy ban Bầu cử tiếp nhận hồ sơ với thái độ lịch sự, hòa nhã. Được biết, trong vài ngày nay, cũng đã có nhiều người đến hỏi về thủ tục tự ứng cử ĐBQH (tức là ứng cử độc lập, không qua sự giới thiệu của cơ quan, đoàn thể nào).

Ảnh: Bà Đặng Bích Phượng, ứng cử viên độc lập vào Quốc hội khóa 14, tại trụ sở thường trực của Ủy ban Bầu cử Thành phố (số 1 phố Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu quốc hội khóa XIV và ứng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021: Trụ sở thường trực Ủy ban Bầu cử TP. Hà Nội – tầng 10, phòng 1003, Tòa nhà Trung tâm Đào tạo Công nghệ Thông tin – Truyền thông, số 1 Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Trong giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 17/2/2016 và kết thúc vào lúc 17h ngày 13/3/2016. Riêng thứ Bảy, ngày 12/3/2016 và Chủ nhật, ngày 13/3/2016 làm việc cả ngày, trong giờ hành chính, Ủy ban Bầu cử TP. Hà Nội sẽ trực để tiếp nhận hồ sơ.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG CỦA NHỮNG CÁI "ĐẦU TIÊN"

TS. Nguyễn Quang A là người sáng lập VP Bank - ngân hàng TMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên.
Là sáng lập viên, Chủ tịch công ty Máy tính-Truyền thông–Điều khiển 3C.
Là dịch giả, người mở ra Tủ sách SOS2 chuyên giới thiệu đến độc giả Việt Nam những tác phẩm chọn lọc, kinh điển, tác phẩm chọn lọc, "có thể được coi như phần linh hồn quan trọng nhất để vận hành xã hội", về luật pháp, chính trị, xã hội, kinh tế...
Thời du học ở Hungary, ngành lý thuyết thông tin và điện tử-viễn thông, ông được coi như thần đồng của khối khoa học tự nhiên.
Ở tuổi 70, ông lại tiếp tục làm một "cái đầu tiên" nữa: Ông là người đầu tiên trong các nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam công khai tuyên bố ứng cử Đại biểu Quốc hội với tư cách độc lập, và sử dụng mạng xã hội Facebook để truyền tải các thông điệp của mình.
Thông điệp nổi bật của ông là: QUYỀN TA, TA CỨ LÀM!
Ứng cử, tham gia chính trị, lên tiếng và tham gia vào việc ra quyết định về các vấn đề chính sách... đó là quyền của mọi công dân ở tất cả các nhà nước dân chủ.


Doan Trang

NGHỆ SỸ HÀI VƯỢNG RÂU KÊU GỌI SỰ ỦNG HỘ CỦA CỬ TRI CẢ NƯỚC

Mới đây, nghệ sỹ hài nổi tiếng đất bắc Vượng Râu đã kêu gọi sự ủng hộ của cử tri cả nước về việc anh tự ra ứng cử làm Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể anh đề nghị: "...những ai yêu mến hoặc kể cả chưa yêu mến mà ủng hộ cho Mr. Râu hãy chụp CMTND và viết lên dòng thời gian tag vào Ủng Hộ Nguyễn Công Vượng ứng cử lên FB!"

Khi cảm ơn người ủng hộ, anh cũng cho biết thêm rằng dù được hay không anh cũng nguyện giữ trọn chữ tâm và dốc sức vì sự nghiệp phát triển Văn hóa và Giáo dục của nước nhà.

Nghệ sỹ hài Vượng Râu, tên đầy đủ là Nguyễn Công Vượng, sinh năm 1982 tại Xuân Trường -Nam Định, anh tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội với chuyên ngành Kịch hát dân tộc (2003) và Đạo diễn (2011).

Hiện nay anh đang là một nghệ sỹ tự do và rất thành công trong sự nghiệp của mình.

Tham khảo thêm trên facebook của anh tại link: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=999928310073969&id=100001704273864




Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Ứng viên độc lập "gặp khó" từ khâu hồ sơ

Bà Đặng Bích Phượng, một trong các ứng cử viên tự do ở Hà Nội, thuật lại khó khăn “trời ơi đất hỡi” mà bà gặp phải khi làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 này.

Câu chuyện rất đơn giản: việc đầu tiên của quá trình ứng cử là bà phải làm hồ sơ, gồm đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản và thu nhập. Sau đó, bà phải đi xin dấu xác nhận lý lịch tại ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, phường nơi bà đăng ký hộ khẩu thường trú.

Ngày 22/2/2016, UBND phường Thành Công đã xác nhận lý lịch cho bà Phượng. Tuy nhiên, ba hôm sau, khi bà Phượng đến nộp hồ sơ ứng cử, thì được cán bộ tiếp dân yêu cầu khai lại một số mục khai chưa đúng theo mẫu. Ví dụ, phải ghi trình độ văn hóa 10/10 phổ thông (bà Phượng chỉ khai 10/10 – thiếu chữ “phổ thông”).

Sau khi khai lại đầy đủ, bà Phượng đến UBND phường Thành Công để xin xác nhận lại lý lịch. Nhưng lần này thì đến lượt Chủ tịch UBND phường Thành Công, ông Nguyễn Huy Toản, nói chưa thể xác nhận lý lịch cho bà, lấy lý do bà khai “chưa trung thực” phần kỷ luật.

“Kỷ luật” vì biểu tình.

Bà Đặng Bích Phượng đã không khai trong hồ sơ là bà từng một lần bị bắt giam 5 ngày ở Hỏa Lò (từ ngày 21 đến 25/8/2011) vì đi biểu tình chống Trung Quốc nhân sự kiện Trung Quốc cắt cáp dầu khí của Việt Nam, nhưng bị công an quy vào tội “gây rối trật tự công cộng”.

Lần khác, bà bị UBND phường Dịch Vọng ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại phường trong thời hạn 6 tháng (từ ngày 12/9/2012 đến ngày 12/3/2013) cũng vì nhiều lần bị bắt khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc.

Tuy nhiên, tạm chưa bàn tới tính hợp pháp của các quyết định tạm giữ và áp dụng biện pháp giáo dục, thì những hình thức xử lý công dân nói trên chỉ là xử lý vi phạm hành chính 
và chỉ có giá trị 1 năm là hết hiệu lực, không cần ghi vào lý lịch.

Thêm nữa, chính phần hướng dẫn khai hồ sơ cũng nêu rõ:
 
“Trường hợp bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính trong thời gian 01 năm tính đến ngày làm hồ sơ ứng cử thì ghi rõ tên cơ quan ra quyết định kỷ luật, thời gian bị kỷ luật, lý do bị kỷ luật, hình thức kỷ luật”, “Nếu không có hoặc đã bị xử lý nhưng không thuộc các trường hợp kể trên thì ghi “Không bị kỷ luật, không có án tích””.
 
Do bà Đặng Bích Phượng bị xử lý vi phạm hành chính đã cách đây đến 4-5 năm, nên bà ghi “không bị kỷ luật, không có án tích” trong hồ sơ, đúng như hướng dẫn.

Điều bà không ngờ là ghi chính xác như hướng dẫn thì lại bị từ chối xác nhận hồ sơ.

Đá đi, đá lại

Bà Đặng Bích Phượng bèn quay lại nơi tiếp nhận hồ sơ ứng cử để đề nghị hướng dẫn lại. Tại đây, bà Phượng được ông Lưu Tiến Minh, cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải thích đúng như ghi chú trên mẫu hồ sơ:

“Nếu bác có bị kỷ luật hành chính cách đây vượt quá một năm, mà bác vẫn khai vào đây, 
thì tôi phải nói là bác khai không đúng”.
 
Có nghĩa là, nếu bà Phượng ghi hai lần bị xử lý vi phạm của mình vào hồ sơ, thì chính khi đó, hồ sơ mới trở thành không hợp lệ (vì ghi sai yêu cầu).

Như vậy là bà Phượng bị kẹt giữa UBND phường Thành Công và Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội. Không khai thì UBND phường Thành Công không chịu xác minh lý lịch. Mà khai thì Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội lại cho là hồ sơ không hợp lệ. Vậy phải ghi như thế nào bây giờ?

Đó là chưa kể, đúng ra trách nhiệm của UBND phường chỉ là xác nhận chữ ký và hộ khẩu thường trú.

Còn tất cả các phần khác trong lý lịch, cá nhân người khai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bà Phượng có hộ khẩu thường trú tại phường Thành Công, nhưng bà sống tạm cư tại phường Dịch Vọng từ cách đây 8 năm.
 
Thời gian đi biểu tình phản đối Trung Quốc cắt cáp tàu dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, bà bị công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ, và UBND phường Dịch Vọng ra quyết định “giáo dục” bà tại địa phương.

Điều này hoàn toàn không nằm trong phạm vi quản lý của UBND phường Thành Công.
Phối hợp gây khó khăn?
 
Tuy nhiên, một nguồn tin cho bà Phượng hay, cơ quan an ninh đã cung cấp hồ sơ của bà cho UBND phường Thành Công, để gây khó dễ.

Bà Phượng cố gắng giải thích với chính quyền phường sở tại:

“Nếu các hình thức kỷ luật diễn ra trong vòng 1 năm tính đến ngày làm hồ sơ, thì tôi mới phải kê khai".

"Nếu không nằm trong khung đó mà vẫn khai thì bên Ủy ban Bầu cử sẽ coi hồ sơ là không hợp lệ”.

Tuy nhiên, UBND phường vẫn dứt khoát bắt bà phải kê khai vụ bị bắt tạm giữ năm 2011 và bị ép giáo dục cải tạo năm 2013.
 
Cũng nguồn tin nọ cho biết, UBND phường đang bị “bên an ninh” nhắc nhở lưu ý về trường hợp bà Phượng.

Bà Phượng và những cử tri đi cùng thực sự ngạc nhiên và bức xúc trước việc an ninh can thiệp thông qua UBND phường và nhất là lại cứ cố ép bà phải khai hồ sơ không hợp lệ.
Phải chăng cơ quan an ninh đang gây khó khăn cho phường Thành Công, hay là họ đang phối hợp với phường gây khó khăn cho ứng cử viên tự do?

Bà Phượng quyết định sẽ làm đơn yêu cầu UBND phường xác nhận lý lịch cho bà và trả lời bằng văn bản, để bà còn kịp hoàn thành bộ hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa 14.

"Cho xin một bộ" 
Cũng trong những ngày vừa qua, công an khu vực ở một số nơi trên địa bàn Hà Nội đã đến “tiếp xúc, tìm hiểu thông tin” ở vài ứng cử viên tự do khác, chẳng hạn hỏi họ đã làm hồ sơ chưa, bao giờ xong thì cho xin một bộ...

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 (nhiệm kỳ 2016-2021) sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới.
Đây là lần đầu tiên, bầu cử Quốc hội có một số lượng đông đảo ứng cử viên tự do (15-20 người trên cả nước, nhất là Hà Nội), và phần lớn đều tích cực sử dụng mạng xã hội Facebook để vận động tranh cử.

Bà Đặng Bích Phượng, sinh năm 1960, là một trong số rất ít gương mặt nữ ứng cử độc lập.
Chương trình hành động của bà xoay quanh vấn đề đất đai và sửa đổi luật đất đai theo hướng bảo đảm các quyền căn bản của người nông dân, như quyền có thông tin, quyền được tham vấn, hỏi ý kiến, và quyền được thương lượng, đàm phán theo giá thị trường.

Nguồn: BBC Vietnamese


Người trẻ nói gì về việc bầu cử Đại biểu Quốc hội

Ngày 22/05/2016, người dân trên khắp cả nước sẽ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14, cuộc bầu cử được người dân coi là trò hề, hoặc là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng.

Hãy thay đổi điều đó, nếu bạn muốn Quốc hội là của dân, đại diện cho tiếng nói của bạn. Hãy tham gia giám sát cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 này.

Người đang nói với các bạn trong clip là Hoàng Thành, một người hoạt động xã hội trẻ ở Hà Nội.

Xem link video tại: https://www.facebook.com/daibieuQH/videos/1041690085894372/