Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Một tư vấn dành cho các ứng viên tự do

Rất hay là có một số bạn đang đứng ra tự ứng cử đại biểu quốc hội nhiệm kì tới. Nếu đã quyết định tự ứng cử, vì tự thấy mình có năng lực, có tâm huyết, và đã quyết định sẽ dành ưu tiên thời gian và sức lực cho các hoạt động này, mong các bạn cũng đừng quên rằng, đằng sau các bạn sẽ có rất nhiều người ủng hộ. Hãy "tranh thủ" tối đa sự ủng hộ và tri thức của nhiều người.

Thông thường, các ứng cử viên có thể thành lập văn phòng tranh cử riêng của mình - dù nhỏ một vài người hay lớn gấp nhiều lần, có nhiệm vụ thu thập thông tin, viết các chương trình tranh cử, truyền thông...Nhưng "ở nước mình nó thế". Không sao! Có sao dùng vậy. Các bạn không đơn độc đâu.

1. Hãy chia sẻ cho chúng tôi biết bạn muốn hoạt động ở lĩnh vực nào, cụ thể hơn một chút (không chỉ nói kinh tế, chính trị, văn hóa, mà hãy nói cụ thể hơn: ví dụ nhà ở cho người nghèo, nước sạch cho nông thôn, bệnh viện tuyến địa phương...?). Bạn cần thêm tư liệu thực tế, các kết quả nghiên cứu, số liệu để làm vững vàng hơn chương trình của mình ==> hãy kêu gọi đóng góp. Tôi tin có rất nhiều người đang làm việc trong các lĩnh vực đó sẽ sẵn lòng chia sẻ cho bạn các thông tin, tư liệu để bạn hoàn thiện hơn chương trình.

2. Hãy chia sẻ vùng miền địa lý mà các bạn đặc biệt nhắm tới ==> để hỏi thêm những người đang hoạt động trong khu vực đó, và để được giới thiệu đến các nhóm cộng đồng.

3. Đừng bỏ quên các NGOs và các INGOs (tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế) và các tổ chức phát triển nhé. Không phải là để vận động họ bỏ phiếu, mà để tận dùng nguồn tư liệu khổng lồ của họ (mà nhiều khi chỉ nằm trên giá sách của các cơ quan Nhà nước). Đó là những nơi thường luôn sẵn lòng chia sẻ thông tin tối đa về cộng đồng.

4. Gặp khó khăn về dịch thuật tài liệu, hoặc tổng hợp các trường hợp tương tự trên thế giới nhưng ngoại ngữ chưa thật giỏi, hoặc không có thời gian? ==> Hãy gửi tài liệu online để nhờ hỗ trợ.

Một đại biểu quốc hội không thể tự mình biết hết được mọi vấn đề, cũng chưa hẳn là chuyên gia trong đúng lĩnh vực mà mình lên tiếng. Họ luôn cần một đội ngũ làm việc phía sau để chuẩn bị tài liệu, số liệu, cập nhật tình hình cho họ biết. Vai trò của họ là phải đưa những luận điểm đúng, dựa trên chứng cứ thực tiễn, đến với nhóm người ra quyết định chính sách.

Chúng ta, đại đa số là không biết mặt nhau, nhưng chỉ cần biết bạn muốn làm điều tốt, sẽ có nhiều người giúp đỡ theo góc độ của họ.

(Tư vấn của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy, ĐH Tokyo, Nhật Bản. FB của chị Thủy: https://www.facebook.com/thuythanmen?fref=ts)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét