Bà Đặng Bích
Phượng, một trong các ứng cử viên tự do ở Hà Nội, thuật lại khó khăn
“trời ơi đất hỡi” mà bà gặp phải khi làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội
(ĐBQH) khóa 14 này.
Câu chuyện rất đơn giản: việc đầu tiên của
quá trình ứng cử là bà phải làm hồ sơ, gồm đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch,
tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản và thu nhập. Sau đó, bà phải đi xin
dấu xác nhận lý lịch tại ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, phường nơi bà
đăng ký hộ khẩu thường trú.
Ngày 22/2/2016, UBND phường Thành
Công đã xác nhận lý lịch cho bà Phượng. Tuy nhiên, ba hôm sau, khi bà
Phượng đến nộp hồ sơ ứng cử, thì được cán bộ tiếp dân yêu cầu khai lại
một số mục khai chưa đúng theo mẫu. Ví dụ, phải ghi trình độ văn hóa
10/10 phổ thông (bà Phượng chỉ khai 10/10 – thiếu chữ “phổ thông”).
Sau khi khai lại đầy đủ, bà Phượng đến UBND phường Thành Công để xin
xác nhận lại lý lịch. Nhưng lần này thì đến lượt Chủ tịch UBND phường
Thành Công, ông Nguyễn Huy Toản, nói chưa thể xác nhận lý lịch cho bà,
lấy lý do bà khai “chưa trung thực” phần kỷ luật.
“Kỷ luật” vì biểu tình.
Bà Đặng Bích Phượng đã không khai trong hồ sơ là bà từng một lần bị bắt
giam 5 ngày ở Hỏa Lò (từ ngày 21 đến 25/8/2011) vì đi biểu tình chống
Trung Quốc nhân sự kiện Trung Quốc cắt cáp dầu khí của Việt Nam, nhưng
bị công an quy vào tội “gây rối trật tự công cộng”.
Lần khác, bà
bị UBND phường Dịch Vọng ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại
phường trong thời hạn 6 tháng (từ ngày 12/9/2012 đến ngày 12/3/2013)
cũng vì nhiều lần bị bắt khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc.
Tuy nhiên, tạm chưa bàn tới tính hợp pháp của các quyết định tạm giữ và
áp dụng biện pháp giáo dục, thì những hình thức xử lý công dân nói trên
chỉ là xử lý vi phạm hành chính
và chỉ có giá trị 1 năm là hết hiệu
lực, không cần ghi vào lý lịch.
Thêm nữa, chính phần hướng dẫn khai hồ sơ cũng nêu rõ:
“Trường hợp bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính trong thời gian 01 năm
tính đến ngày làm hồ sơ ứng cử thì ghi rõ tên cơ quan ra quyết định kỷ
luật, thời gian bị kỷ luật, lý do bị kỷ luật, hình thức kỷ luật”, “Nếu
không có hoặc đã bị xử lý nhưng không thuộc các trường hợp kể trên thì
ghi “Không bị kỷ luật, không có án tích””.
Do bà Đặng Bích Phượng bị
xử lý vi phạm hành chính đã cách đây đến 4-5 năm, nên bà ghi “không bị
kỷ luật, không có án tích” trong hồ sơ, đúng như hướng dẫn.
Điều bà không ngờ là ghi chính xác như hướng dẫn thì lại bị từ chối xác nhận hồ sơ.
Đá đi, đá lại
Bà Đặng Bích Phượng bèn quay lại nơi tiếp nhận hồ sơ ứng cử để đề nghị
hướng dẫn lại. Tại đây, bà Phượng được ông Lưu Tiến Minh, cán bộ tiếp
nhận hồ sơ, giải thích đúng như ghi chú trên mẫu hồ sơ:
“Nếu bác có bị kỷ luật hành chính cách đây vượt quá một năm, mà bác vẫn khai vào đây,
thì tôi phải nói là bác khai không đúng”.
Có nghĩa là, nếu bà Phượng ghi hai lần bị xử lý vi phạm của mình vào hồ
sơ, thì chính khi đó, hồ sơ mới trở thành không hợp lệ (vì ghi sai yêu
cầu).
Như vậy là bà Phượng bị kẹt giữa UBND phường Thành Công và
Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội. Không khai thì UBND phường Thành Công
không chịu xác minh lý lịch. Mà khai thì Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội
lại cho là hồ sơ không hợp lệ. Vậy phải ghi như thế nào bây giờ?
Đó là chưa kể, đúng ra trách nhiệm của UBND phường chỉ là xác nhận chữ ký và hộ khẩu thường trú.
Còn tất cả các phần khác trong lý lịch, cá nhân người khai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bà Phượng có hộ khẩu thường trú tại phường Thành Công, nhưng bà sống tạm cư tại phường Dịch Vọng từ cách đây 8 năm.
Thời gian đi biểu tình phản đối Trung Quốc cắt cáp tàu dầu khí trong
vùng biển của Việt Nam, bà bị công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ, và UBND
phường Dịch Vọng ra quyết định “giáo dục” bà tại địa phương.
Điều này hoàn toàn không nằm trong phạm vi quản lý của UBND phường Thành Công.
Phối hợp gây khó khăn?
Tuy nhiên, một nguồn tin cho bà Phượng hay, cơ quan an ninh đã cung cấp hồ sơ của bà cho UBND phường Thành Công, để gây khó dễ.
Bà Phượng cố gắng giải thích với chính quyền phường sở tại:
“Nếu các hình thức kỷ luật diễn ra trong vòng 1 năm tính đến ngày làm hồ sơ, thì tôi mới phải kê khai".
"Nếu không nằm trong khung đó mà vẫn khai thì bên Ủy ban Bầu cử sẽ coi hồ sơ là không hợp lệ”.
Tuy nhiên, UBND phường vẫn dứt khoát bắt bà phải kê khai vụ bị bắt tạm giữ năm 2011 và bị ép giáo dục cải tạo năm 2013.
Cũng nguồn tin nọ cho biết, UBND phường đang bị “bên an ninh” nhắc nhở lưu ý về trường hợp bà Phượng.
Bà Phượng và những cử tri đi cùng thực sự ngạc nhiên và bức xúc trước
việc an ninh can thiệp thông qua UBND phường và nhất là lại cứ cố ép bà
phải khai hồ sơ không hợp lệ.
Phải chăng cơ quan an ninh đang gây
khó khăn cho phường Thành Công, hay là họ đang phối hợp với phường gây
khó khăn cho ứng cử viên tự do?
Bà Phượng quyết định sẽ làm đơn
yêu cầu UBND phường xác nhận lý lịch cho bà và trả lời bằng văn bản, để
bà còn kịp hoàn thành bộ hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa 14.
"Cho xin một bộ"
Cũng trong những ngày vừa qua, công an khu vực ở một số nơi trên địa
bàn Hà Nội đã đến “tiếp xúc, tìm hiểu thông tin” ở vài ứng cử viên tự do
khác, chẳng hạn hỏi họ đã làm hồ sơ chưa, bao giờ xong thì cho xin một
bộ...
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 (nhiệm kỳ 2016-2021) sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới.
Đây là lần đầu tiên, bầu cử Quốc hội có một số lượng đông đảo ứng cử
viên tự do (15-20 người trên cả nước, nhất là Hà Nội), và phần lớn đều
tích cực sử dụng mạng xã hội Facebook để vận động tranh cử.
Bà Đặng Bích Phượng, sinh năm 1960, là một trong số rất ít gương mặt nữ ứng cử độc lập.
Chương trình hành động của bà xoay quanh vấn đề đất đai và sửa đổi luật
đất đai theo hướng bảo đảm các quyền căn bản của người nông dân, như
quyền có thông tin, quyền được tham vấn, hỏi ý kiến, và quyền được
thương lượng, đàm phán theo giá thị trường.
Nguồn: BBC Vietnamese